Mi Fa

Solo debut - 3/2022, Hanoi, Vietnam

notion image
 

Triển lãm Điệp- Sparkling of scallop paper

Cuộc sống lắng đọng trong hội họa của Mifa
“ĐIỆP | Sparkling of scallop paper là triển lãm cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ Mifa. Tên thật của cô là Lê Vũ Anh Nhi, một nghệ sĩ thị giác sống và làm việc tại Đà Nẵng. Các thực hành nghệ thuật của cô chủ yếu về chất liệu sơn acrylic trên giấy điệp - loại giấy truyền thống của Việt Nam được làm từ cây dó và vỏ sò điệp” – lời triển lãm.
Thế giới hội họa hiện lên trong triển lãm khi thì nhẹ tênh thơ mộng, lúc thì mực và chi tiết như chực cuộn trào, lúc thì trầm mặc hay lấp lánh…tất cả mang nhiều cảm xúc nhưng cũng đầy vẻ đẹp của trí tuệ. Trong đó có âm hưởng của những vần thơ Rubaiyat xứ Ba Tư, những tiết tấu cô đọng của thơ Haiku, đường nét và tâm thế của thủy mặc, thư pháp Trung Hoa, hay thế giới chìm dưới biển sâu của gốm Việt cổ… Mượn những câu chuyện trên để chuyển hóa thành nghệ thuật hội họa, nhưng đồng thời trong hội họa của Mifa cũng đọng lại hình sắc của sự sống – những đời sống luôn xoay xở vươn lên, tồn tại. Qua thủ pháp ngẫu hứng, họa sỹ không cần phác thảo trước, đa phần hình trong tác phẩm là trừu tượng. Tuy vậy, đôi chỗ người xem vẫn bắt gặp những hình hài của cuộc sống qua bút pháp biểu hiện hay tự do liên tưởng.
Cung bậc cảm xúc qua sắc màu
Màu sắc của những chùm tranh theo từng chủ đề khác nhau hiện lên theo thang âm riêng. “Một thế giới đầy sương” lắng đọng kiệm hình kiệm sắc. Chùm tác phẩm “Thơ thơ” lung linh như hiệu ứng sơn mài và thủy ấn. Đến “Rubaiyat” thì dữ dội quyết liệt.
Loạt tranh “Một thế giới đầy sương” được tác giả lấy cảm hứng từ những bài thơ Haiku trong văn hóa Nhật Bản. Haiku là thể thơ đặc biệt ngắn nhất thế giới. Cùng với kịch Noh, nghệ thuật cắm hoa Ikebana, phong cách kiến trúc Nhật Bản, thơ haiku đã thể hiện chung một tinh thần văn hóa tối giản mà sâu sắc của người Nhật. Trong “Một thế giới đầy sương” của Mifa, mỗi bức tranh hiện lên chỉ với vài nét mực lớn nhưng thể hiện được thần thái cốt cách của hình, mà trong thư pháp gọi là “cốt lực”. Sự kiệm màu kiệm sắc ở đây cho cảm giác lược bỏ, cô đọng. Đôi chỗ chỉ như vết nước loang còn lại cho hình hài tan dần vào nền giấy điệp. Sự đối lập giữa nét mực đen và vết loang không sắc độ, giữa còn - mất, và cũng như trong âm thanh, biên độ càng lớn thì áp suất nén càng sâu, biên độ màu ở đây khiến ý tứ vượt ra ngoài hiệu lực của màu sắc.
Cảm xúc thẩm mỹ về “những thứ lấp lánh như kho báu” được nuôi dưỡng từ thế giới tuổi thơ của Mifa – cô bé lớn lên ở miền biển Đà Nẵng với tuổi thơ lang thang ở bãi biển nhặt vỏ sò vỏ ốc, từ những kho báu trong truyện cổ tích xứ Ba Tư, để thành những huyễn tưởng cá nhân hay chất liệu cho tâm hồn nghệ sỹ. Có thể hiểu rằng, chính sự gặp gỡ với giấy Điệp lấp lánh đã hòa hợp những cảm xúc tuổi thơ đó cùng thế giới văn hóa nghệ thuật trong tác giả để cho cô một sự thông suốt và niềm hứng khởi với hội họa khi cô đang mất kết nối với việc vẽ.
“Thơ Thơ” trong triển lãm có lẽ là chùm tranh với màu sắc vui tươi lấp lánh nhất. Bằng những thủ pháp cá nhân, từ một chất liệu màu Acrylic, nghệ sỹ tạo ra những hiệu ứng đa dạng, tươi vui trên mặt giấy: từ hiệu ứng sơn đặc, loang màu, ấn triện thủ công, thư pháp và sơn mài…Ở tranh sơn mài, công đoạn mài làm cho các lớp sơn dần hiện lên, tùy từng vị trí mài nhiều hay ít làm các lớp màu đan xen kỳ ảo. Ở loạt tranh này, những vùng màu tương phản được đặt xen kẽ, kỹ thuật chuyển màu làm cho hình và nền không phân biệt, tạo hiệu ứng như các lớp sơn mài. “Thơ Thơ là bài ca êm dịu của những điều mâu thuẫn, là sự hòa hợp hoặc tương phản của rất nhiều màu sắc và chuyển động. Nó là sự hồn nhiên, hay việc đánh mất sự hồn nhiên. Thơ tồn tại ở khắp nơi trong cuộc sống, và loạt tác phẩm này chỉ là nỗ lực thể hiện một phần rất nhỏ của tính thơ trong nhận thức hạn hẹp của tôi.”- chia sẻ của tác giả.
Trong các tác phẩm của Mifa, “Rubaiyat” là chùm tranh với màu sắc dữ dội nhất. Những sắc độ mạnh như tím, xanh nước biển, đen được sử dụng trong kỹ thuật sơn đặc tạo mảng nền lớn cho tác phẩm. “Rubaiyat” là một thể thơ trong văn học Ba Tư nói về kiếp người và ý nghĩa cuộc đời. Cũng giống như Haiku mang tinh thần Nhật Bản, Ruibaiyat thấm đẫm văn hóa của xứ sở Hồi giáo được kể lại qua những liên tưởng của Mifa: "Với tôi, Rubaiyat là bản hòa âm của nặng nề và thơ mộng, là câu chuyện được kể bởi những tảng đá bằng mây trên bầu trời đêm dài xanh thẳm, về một nền văn hóa đầy mâu thuẫn, đầy tri thức khoa học mà cũng rất sùng đạo, đầy bản năng và quá nhiều sự tinh xảo, đầy tàn bạo mà cũng rất nhạy cảm, nhân văn."
Thế giới nhỏ bé qua đường nét
Một ấn tượng trực giác khi đối diện với các tác phẩm của nghệ sỹ là sự phong phú của hình và nét. Đối lập với các vệt màu lớn và các mảng loang nhòe là chi tiết sắc xảo của nét. Tập hợp các nét nhỏ tạo thành những cụm hình trong tác phẩm. Hình và nét có khi là nảy sinh bất ngờ theo ngẫu hứng của bút mực, có khi chứa ý tứ của tác giả. Trong các tác phẩm này, các nét được sử dụng chủ yếu trong sự tung hứng với các mảng màu (nét dùng để chặn màu, khẳng định hình) hay để tạo hình những đối tượng nhỏ bé trong thế giới của tác phẩm. Nét tạo nên cái động của tác phẩm.
Nếu như màu sắc đem đến những cảm xúc chung nhất cho các tác phẩm trong triển lãm này thì nét và hình là tác nhân gây xúc động. Trong sự hỗn độn của mảng màu, chấm màu, vệt loang màu đủ các sắc độ, đôi lúc hiện lên hình dáng sự vật. Điều này cho ta liên tưởng như khi bị lạc vào cõi hỗn mang mà chợt phát hiện ra hình thù thân thương của sự sống như cái cây ngọn cỏ hay hình dáng một sinh vật nhỏ bé. Nó hé lên trong ta hy vọng sống và niềm tin vào tồn tại.
Trong các tác phẩm của Mifa, các sinh vật bé nhỏ được tạo nên từ rất nhiều đường nét trang trí, những chi tiết cách điệu, mang tính thơ – họa - ước lệ nhiều hơn là diễn tả. Để trong các hình hài, hiện lên những thủ pháp, bút ý và cả cảm giác đặc trưng về thẩm mỹ của các nền văn hóa hòa trộn mà như tác giả diễn tả là “tính thơ của các nền văn hóa”. Chẳng hạn như ở một tác phẩm của series Thơ Thơ, ta bắt gặp hình hài một chú cá đầy màu sắc trong khoảng không trống trải của giấy điệp. Nhưng điều khiến ta nhận thức về chú cá khác biệt là các chi tiết tạo nên chú: vây và râu bằng những nét bút mực của lối vẽ thư pháp Trung Hoa, tương phản là thân hình loang mờ khiến chú cá trong suốt nhưng lại chứa đựng thật nhiều chi tiết bên trong. Những chi tiết trang trí dày đặc đầy màu sắc đem đến hơi hướng của nghệ thuật Ấn Độ. Sự đối lập giữa có và không cho liên tưởng về vòng tròn sắc không trong đạo Phật và sự tạo thành vạn vật từ hư vô. Ở một góc trong tác phẩm khác, ta lại bắt gặp hình hài một chút ếch, một chú chuột, rùa hay chú chim nhỏ lặng lẽ trong thế giới của chúng…
Về cảm hứng sáng tác series tranh “Một thế giới đầy sương”, tác giả có cả một diễn giải đầy xúc động:
“Mỗi bức tranh là một giọt sương nhỏ lưu lại nét phác đơn sơ về những phân đoạn vụn vặt trong đời sống và thiên nhiên, khởi nguồn từ những rung động trước nỗ lực tiếp diễn cuộc sống của những thân phận bé nhỏ tồn tại quanh ta trong nỗi vô ngôn hàng ngày. Một con thằn lằn bị liệt hai chân sau rất hung hăng trong bầy, một con dế bị tôi nhỡ đạp mất nửa thân mà ngày hôm sau vẫn còn bò quanh kiếm ăn. Chúng làm tôi nghĩ đến thơ haiku, về cách mà thời gian cùng những vận động cuộc sống được thu lại chỉ trong một vài từ. Và vũ trụ hiện ra trên một cây nấm, một cơn sóng dữ, một chiếc thuyền đơn độc, một chú chuột già mù đứng trú mưa dưới tán cây trong vườn.”
Thế giới của thơ Haiku là sự kết hợp những điều lớn lao và bé nhỏ. Đặc trưng bởi thế giới quan thẩm mỹ về tính phù du vô thường và sự khiêm nhường đơn sơ theo cách vạn vật tự nhiên vận hành. Càng cảm nhận được cái hay cái đẹp của thế giới trong thơ haiku, ta sẽ càng hiểu hơn về thế giới của Mifa qua giấy điệp, cũng như nhìn vào chi tiết hơn thế giới mà mỗi chúng ta đang đắm chìm trong hiện hữu.
“Một thế giới đầy sương
Và trong mỗi hạt sương
Một thế giới đầy vật lộn”
Kobayashi Issa (1763 - 1828)
Hội họa của Mifa hiện lên sống động qua sắc màu và đường nét. Sự ngẫu biến trong sáng tác chính là cách thức triển khai xuyên suốt trong các tác phẩm trên giấy điệp của cô. Để có những sáng tác ngẫu hứng tốt người họa sỹ phải rèn luyện khả năng ứng biến và giàu bản lĩnh trong sáng tạo. Giá trị nghệ thuật của triển lãm trước tiên nằm ở giá trị thẩm mỹ và giá trị tạo hình của tác phẩm. Tiếp đến, nếu không có những ý tứ đằng sau truyền cảm hứng cho bút mực thì hẳn những thực hành nghệ ngẫu hứng đã không thành công như thế. Với nỗ lực khám phá các giá trị của các nền văn hóa, khám phá thế giới hay qua đó cũng chính là hành trình khám phá bản thân, tác giả đã xây dựng nên các tác phẩm đại diện cho chính cuộc sống và bản sắc của cá nhân mình.
Trần Thu Huyền
 

 
 
'Điệp - The sparkling of scallop paper’ là tên gọi của triển lãm solo lần đầu ra mắt của Mifa, một nghệ sĩ thị giác sống và làm việc tại Đà Nẵng, và là một người nghiên cứu hội hoạ về chất liệu sơn acrylic trên giấy điệp, 1 loại giấy truyền thống của Việt Nam được làm từ cây dó và vỏ sò điệp.
Cách thể hiện kĩ thuật sơn và chuyển màu cực kì hiện đại trên nền giấy điệp đã diễn tả thành công sự giao thoa độc đáo của 1 tuổi thơ yên ả đến sự bỡ ngỡ gần như khủng hoảng trước 1 nhịp sống hiện đại hối hả. Loại giấy đẹp và giản dị này có nguồn gốc từ trong văn hoá dân gian bao đời, được tái tạo một lần nữa trong trí tưởng tượng của 1 người nghệ sĩ trẻ đang sống và trải nghiệm thời điểm đau thương và tan vỡ kỳ lạ trong một giai đoạn lịch sử mà chúng ta cùng trải qua.
Loạt tranh gần đây nhất, "Lẩn khuất trong hơi ẩm của lá và mưa", ra đời trong thời gian đại dịch, cho thấy một lối đi rất riêng, rất khó nắm bắt trong thủ pháp của Mifa. Lẫn trong tiếng thì thầm của cỏ cây là những hình ảnh nhỏ nhắn mộc mạc, lấy cảm hứng từ những thay đổi do đại dịch mang lại, ta bị buộc phải nhìn những thứ rất thân quen theo cách như thể lần đầu nhìn thấy. Loạt tranh đi kèm với chủ đề "Thơ thơ" bao gồm những bức tranh nói lên niềm đam mê của Mifa, không chỉ với nghệ thuật thị giác mà còn với những vần thơ. Ở đây màu sắc và nhịp độ của từng hình ảnh đơn lẻ đan vào nhau thành một tổng thể theo một kết hợp bất chợt và đầy ngẫu hứng. Tác phẩm của Mifa tạo hiệu ứng lan toả của những cảm xúc lẫn lộn, nơi những hình ảnh riêng lẻ quyện vào nhau để cùng xướng lên những phát ngôn trữ tình, giục giã.
Trong "Thơ thơ", loạt chủ đề văn hóa phương Đông thể hiện sự say mê của nghệ sĩ đối với nền văn hóa và di sản của mình: '5 thế kỷ chìm dưới biển sâu, 'Một thế giới đầy sương', 'Và biển cùng núi biết rằng tôi biết', và 'Rubaiyat '. ‘5 thế kỷ chìm dưới biển sâu’ là giấc mơ bất tận của trẻ thơ về kho tàng vật thể và phi vật thể cùng niềm yêu thích với các chủ đề lịch sử và văn hóa dân gian Việt Nam, thể hiện một mỹ cảm vô tư, bản năng nhưng tỉ mỉ. ‘Một thế giới đầy sương’ bày tỏ tình yêu đối với các bài thơ haiku của Nhật Bản và ý tưởng về việc ôm ấp thiên nhiên, nắm bắt hồn cốt của thế giới chung quanh bằng cái nhìn dịu dàng và diễn đạt lại một cách súc tích. 'Và biển cùng núi biết rằng tôi biết’ được dành tặng cho tinh thần phóng khoáng và lãng mạn của Chủ nghĩa biểu hiện trong triết lý và phương pháp hội họa cổ đại của Trung Quốc. Và cuối cùng ‘Rubaiyat’ là sự khởi đầu của một giấc mơ như được tạo nên bằng những nét dệt trên một tấm thảm Hồi giáo.
Trong tác phẩm sắp đặt "Có điều gì đó về sự hồn nhiên mà con người không bao giờ cam lòng đánh mất", một bức tranh nằm bên cạnh một tấm gương vỡ, vừa là phủ nhận quá khứ vừa là lời khẳng định của chính quá khứ đó. Những chiếc vỏ sò bằng giấy Điệp đã gợi lại tuổi thơ mà Mifa trải qua trên những bãi biển xinh đẹp của Đà Nẵng, nên hành động sáng tạo trên giấy làm từ những chiếc vỏ điệp giúp chúng ta sống lại, cảm nhận lại khoảng đời tươi đẹp đó, và tạo nên những ký ức mới, vượt qua ánh phản chiếu lạnh lẽo và rạn vỡ của chiếc gương, từ chối cái nhìn qua màn hình của các thiết bị hiện đại để trân trọng những trải nghiệm chân thực. Nhờ vậy, chúng ta được đồng cảm với con mắt của nghệ sĩ, được nhìn thấy chính mình trong những khoảng đời thơ ngây ấy, và đồng thời nhìn thấy chúng ta ngay lúc này, đổ vỡ, bất toàn nhưng vẫn còn sống sót. Bộ sưu tập được hoàn thiện bởi một loạt các bức tranh cùng chủ đề về sự bất ổn, về những chấn thương khó lành, về những thay đổi trong đời sống và công nghê.
Bằng những dụng cụ sẵn có trong dân gian, nghệ sĩ đã tái hiện trước mắt chúng ta những hụt hẫng lớn của trải nghiệm đương đại, đồng thời xoa diệu tâm trạng đó bằng những lời an ủi của tuổi thơ. Từ triển lãm này, một cách tổng thể, Mifa như muốn nói với chúng ta rằng để tìm lại cho mình một chút an ủi, chỉ còn cách lấy sự bình thản, hồn nhiên mà nhìn cái thế giới ngày càng đảo điên này.
Chuyển ngữ bởi Trần Đình Nguyên
‘Điệp-the sparkling of scallop paper’ is the debut solo exhibition from Mifa, a Da Nang-based visual artist and researcher who specialises in painting with acrylics on traditional diep paper, made from Do trees and scallop shells.
The playfulness and peace of childhood and the terrors of modernity find a unique intersection in her work, which applies ultra-modern paint and transfer techniques to  beautiful and simple folk paper. The roots of diep-paper stretch deep into her ancestor’s folklore and are reinvented anew in the imagination of the millennial female artist, living at a moment of unique trauma and disjuncture in our shared history.
The newest series, ‘Under the scent of hidden foliage and rain’, was creating during the pandemic and showcases the delicate intimacy of Mifa’s technique, presenting simple images that resonate with the hum of nature, boundaried as if by a smart-phone screen, inspired by the changes that the pandemic brought, and that sense of being forced to look, as in the modernist frame, ‘at the familiar in an unfamiliar way’. The accompanying ‘Poetry’ series comprises paintings that speak to Mifa’s fascination, not only with visual arts, but with verse. Here the colour and cadence of discrete images combine as a whole  series in whimsical combination. As in the throng of modernity itself, Mifa’s work presents a kind of synaesthesia, where individual images interact with each other as compelling lyrical statements.
In Poetry, a series of Four Eastern culture themes that capture the artist’s own fascination with her culture and heritage: ‘5 centuries under water’, ‘A world of Dew’, ‘And seas and mountain know that I know’, and  ‘Rubaiyat’. ‘5 centuries under water’ is a child’s endless dream about tangible and intangible treasure with an interest for Vietnamese historical and folklore themes. It expresses carefree, instinctive yet meticulous aesthetism. ‘A world of dew’ express the love for Japanese’s haiku poems and the idea of embracing nature, capturing its essence with a gentle eyes and describe it concisely. ‘And seas and mountain know that I know’ is dedicated to the generous and romance spirit of Expressionism in ancient Chinese painting’philosophy and method of painting.  And lastly ‘Rubaiyat’ is the beginning of a dream weaven in Islamic tapestry.
In the installation "There is something about innocence one is never quite resigned to lose", a picture sits alongside a broken mirror in both a rejection of the past and an affirmation of it. As the scallop shells of Diep paper are redolent of Mifa’s childhood spent on Da Nang’s beautiful beaches, so the act of creation on paper made from those shells enables us to remake that childhood anew, and remake memory anew thereby, beyond the mirror’s cold, shattered light, rejecting the screens of modernity’s viewing devices in favour of our lived experienced. Thus we are aligned with the artist’s eye, seeing ourselves and our childhood but also ourselves as we are now, broken and imperfect but still alive.
The collection is rounded off by a series of paintings that speak to the leitmotif of Turbulence, inclining  back towards the incredible traumas and changes of society, technology. We are presented with an artistic reimagination using the tools of her folk to document the horror of contemporary experience obut also sooth it with the consolations of childhood. As with the exhibition as a whole, Mifa encourages us to consider the tumultuous present in light of the calm placidity of our shared history and innocence and, in an ever madding world, gain some kind of solace.
Asheem Singh, author and social activist
 
notion image
notion image
notion image
notion image
notion image
notion image
notion image
notion image